Cần biết điều này khi ăn lẩu để tốt cho sức khỏe

Trung bình một phần lẩu cho một người cung cấp con số khổng lồ về năng lượng – 1.668 kcal với 67g protein, 118g chất béo và 86g carb.

Món lẩu là món ăn được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu như thịt, rau, hải sản, đậu, xúc xích, nước dùng… nên lượng calo trong món ăn này bằng tổng calo trong tất cả các nguyên liệu cộng lại. Theo các chuyên gia, năng lượng trong một nồi lẩu cơ bản truyền thống là 900-1.500kcal.

Theo Titsianfoodlife, trung bình một phần lẩu phục vụ cho một người (gồm cả nước dùng, nước chấm, dầu mè, dầu ớt…) cung cấp khoảng 1.668 kcal với 67g protein, 118g chất béo và 86g carb.

Vì thế, lẩu không phải là một món ăn tốt cho sức khỏe do sử dụng nhiều dầu trong nước dùng, hàm lượng chất béo cao trong nhiều thành phần của các nguyên liệu lẩu phổ biến và nước chấm. Đồng thời, mọi người có xu hướng ăn quá nhiều do nó thường được phục vụ chung, bạn khó theo dõi kích thước khẩu phần.

Một nồi nước lẩu phổ biến với nhiều dầu, ớt cay cung cấp đến 600 kcal. Ngoài ra, các loại thịt được sử dụng trong lẩu không phải là loại nạc nhất, vì vậy mặc dù chúng có hàm lượng protein cao nhưng bạn có thể dễ dàng tích tụ chất béo. Trong ví dụ này, một phần thịt bò bổ sung khoảng 434 kcal, phần lớn là do hàm lượng chất béo.

Cần biết điều này khi ăn lẩu để tốt cho sức khỏe

Lẩu không phải là lựa chọn tốt cho người đang muốn giảm cân (Ảnh: Aseanfoodlife).

Ngoài ra, hầu hết các thành phần khác đi kèm với lẩu, chẳng hạn như cá viên và thanh cua, có ít giá trị dinh dưỡng theo quan điểm dinh dưỡng đa lượng và chủ yếu bổ sung calo từ chất béo hoặc carbs.

Nước chấm cũng có thể dễ dàng tăng lượng calo nếu không được lựa chọn cẩn thận. Nhiều loại nước chấm làm từ dầu có thể dễ dàng làm tăng lượng calo. Rất may, với một vài hoán đổi thành phần, chia khẩu phần cẩn thận, bạn có thể dễ dàng chế biến món lẩu ít calo.

Những lưu ý khi ăn lẩu

– Phải ăn chín uống sôi

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không tiêu diệt hết ký sinh trùng có thế khiến người ăn bị tiêu chảy.

– Không nên ăn khi vừa mới gắp ra vì ăn nóng có thể gây bỏng niêm mạc miệng và họng.

– Không ăn quá mặn vì ăn quá mặn sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao.

Ăn lẩu đúng cách

Theo BS Sơn, để đảm bảo sức khỏe nên ăn rau trước và sau cùng là thịt. Như thế dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn.

Mọi người cũng nên ăn nhiều rau xanh. Rau xanh sẽ làm món lẩu thêm phong phú, còn giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn. Lá rau có chứa các vitamin và chất khoáng tốt cho sức khỏe.

“Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài không quá 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Vì khi kéo dài thời gian ăn uống, hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn gây quá tải từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe”, BS Sơn cho biết.

Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng khoảng 100g thịt bò, có thể thêm cá tuyết và đậu phụ bổ sung vào món lẩu để có thêm protein từ nguồn nạc hơn. Hoặc bạn có thể làm nước dùng tự chế bao gồm thịt gà và rau thơm được đun sôi trong thời gian dài với lượng calo tối thiểu do không sử dụng dầu.

Sử dụng nước chấm làm từ đậu nành, trộn với hành lá và ớt để tăng thêm hương vị cho nước chấm ít calo.