Người bán tiết lộ vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn?

Cua ghẹ có chắc thịt hay không phụ thuộc một phần vào thời điểm mua. Bạn có biết vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn?

Có nhiều dấu hiệu giúp bạn chọn được cua ghẹ ngon khi đi mua ở cửa hàng hay vựa hải sản. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Có những thời điểm dù khéo chọn đến mấy, bạn rất dễ mua phải cua ghẹ bị óp. Muốn mua được cua ngon, bạn nên chọn những ngày không có trăng. Vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn? Điều này liên quan đến ảnh hưởng của mặt trăng đối với tập tính của những loài động vật này.

Vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn?

Theo lời khuyên của người bán hải sản, muốn ăn ghẹ ngon thì nên chọn ngày. Với các loài cua, ghẹ, đêm trăng tròn là thời điểm giao phối, sinh sản của chúng, thịt sẽ không thể chắc ngọt. Giữa tháng âm lịch cũng là lúc nhiều con mới lột vỏ được dăm ngày. Thời gian mới lột, cua ghẹ còn mềm yếu, trốn trong hang không đi kiếm ăn, đến lúc sáng trăng bò ra thì kích thước tăng nhưng cơ thể rất rỗng, nước nhiều thịt ít.

Người bán tiết lộ vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn?

Vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn? Vì thời điểm mua cũng quyết định độ ngon của chúng. (Ảnh: Getty)

Do đó nếu mua cua, ghẹ vào thời điểm trăng tròn, trong phần lớn trường hợp bạn sẽ khiến cả nhà thất vọng.

Một cách giải thích khác của các ngư dân là đêm rằm trời sáng trăng, cua ghẹ không tìm được nhiều thức ăn như lúc không có trăng nên hầu như chúng đều gầy óp. Vào thời điểm này, nếu bắt cua ghẹ thì thịt chúng đều nhạt, nhão, ăn không ngon. Vào những ngày không trăng, cua ghẹ sẽ ngon và chắc thịt vì tìm được nhiều thức ăn.

Vì vậy, bạn không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn. Nên mua cua vào những ngày cuối tháng, đầu tháng, là lúc chúng béo, chắc thịt và đậm đà nhất.

Mẹo chọn cua biển tươi ngon

Bạn đã biết vì sao không nên ăn cua ghẹ khi trăng tròn và khi đã chọn đúng thời điểm để mua, hãy áp dụng những bí quyết chọn cua ghẹ ngon, thịt chắc, gạch đặc dưới đây.

Chọn những con phản ứng nhanh

Mua cua biển càng gần với thời gian đánh bắt thì chất lượng càng cao, chúng vừa tươi ngon vừa giữ được giá trị dinh dưỡng. Cua càng để lâu càng gầy đi, trông vẻ ngoài vẫn to lớn nhưng phần thịt bên trong teo tóp, mềm nhão.

Dấu hiệu cua mới là cầm lên nặng tay, khỏe mạnh, có phản ứng rất nhanh và mạnh khi người chạm vào. Còn những con trông ỉu xìu, hiền lành thường đã được bắt lên khá lâu, thịt sẽ không chắc như trước.

Kiểm tra yếm

Người sành cua biển thường dựa vào yếm để chọn cua. Cua tươi ngon, chắc thịt thì khi ấn vào yếm không bị lõm hay vỡ. Nếu bạn ấn tay vào mà thấy yếm lõm sâu thì chắc chắn đó là cua óp, sau lớp vỏ chủ yếu là nước, phần thịt ít ỏi cũng nhạt nhẽo vô vị.

Việc kiểm tra yếm cũng giúp bạn phân biệt cua đực, cua cái. Yếm của cua cái to bản hơn. Nếu có nhiều lông bao quanh yếm chứng tỏ con cua cái này đã qua nhiều lần sinh sản, thịt sẽ kém ngon. Tuy nhiên, những con có phần trứng lộ ra ở yếm thường ngon, nhiều gạch, thịt thơm.

Để biết cua có nhiều gạch hay không, hãy dùng ngón tay ấn lõm phần yếm xuống để nhìn gạch bên trong, nếu thấy lộ ra phần gạch màu đỏ tươi thì con cua này nên được chọn.

Chọn theo màu sắc

Nên chọn những con cua sậm màu, độ màu của càng và phần mai tương đương nhau. Màu càng đậm chứng tỏ tuổi con cua này càng lớn, vì cua non có màu sắc nhạt hơn, thịt cũng kém chắc, kém đậm đà hơn.

Bạn cũng có thể nhìn vào phần yếm, những con cua có yếm sẫm màu thường ngon hơn con có yếm sáng màu.

Quan sát gai trên mai

Xem xét những chiếc gai trên mai là mẹo chọn cua biển ngon không nhiều người biết. Gai ngắn, nhỏ, mềm giòn dễ gãy chứng tỏ con cua còn non, trong khi cua già có gai to, cứng chắc và đều nhau.